Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bộ Giáo dục: Không thuê luật sư vụ Bộ trưởng bị kiện

Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/bo-giao-duc-khong-thue-luat-su-vu-bo-truong-bi-kien-2360272/

(Giáo dục)- Để hiểu rõ thêm thông tin về sự việc ông Hoàng Xuân Quế - Đại học kinh tế quốc dân khởi kiện quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Vũ Luận, Đất Việt đã có cuộc làm việc với người được Bộ trưởng ủy quyền tham gia tố tụng. 

LTS : Để đảm bảo thông tin đầy đủ, không bị sai lệch về ý tưởng, Bộ GDĐT đề nghị các báo, trang tin nếu đăng lại tin thì phải đưa nguyên vẹn không được cắt xén thông tin gốc. Báo Đất Việt minh bạch quan điểm này và kính đề nghị các báo, trang tin tôn trọng ý kiến của Bộ GDĐT.
Đây là sự việc quan trọng 
 
Chia sẻ với báo Đất Việt, ngày 19/11, người đại diện của Bộ GDĐT cho biết: "Hiện tại, Bộ GDĐT đang giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Xuân Quế đối với KL số 1254//KL-BGDĐT, đồng thời tham gia tố tụng trong vụ án do ông Quế khởi kiện Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT tại Tòa ánh hành chính, Tòa án nhân dân TP Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Bộ GDĐT cũng đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, tài liệu do tòa án yêu cầu liên quan đến sự việc. Chúng tôi cũng đã khẳng định với tòa án: Bộ GDĐT có đầy đủ căn cứ khi ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013". 
 
Còn quan điểm của Bộ GDĐT trước sự việc này là: "Bộ GDĐT không muốn đưa bất cứ thông tin gì trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án. Bởi vì, Bộ GDĐT là cơ quan nhà nước thực thi công vụ, không phải là một bên tranh chấp tranh luận với bên tranh chấp khác. Mặt khác, không nên khoét sâu vào nỗi đau của bất cứ ai khi những sai trái nhất thời của họ đã phải trả giá không nhỏ".
 

Bộ giáo dục khẳng định đây là sự việc rất quan trọng

Bên cạnh đó, vị đại diện nói rõ quan điểm của Bộ: "Đây là vụ việc khá quan trọng, liên quan đến vị trí chính trị và đạo đức của một người đã có thời gian công tác khá dài trong ngành giáo dục. Nếu người đó bị ảnh hưởng thì không chỉ bản thân, gia đình mà còn là trường, là ngành giáo dục bị ảnh hưởng. 
 
Nhưng cũng không vì sợ bị ảnh hưởng mà bưng bít sự thật. Trong quá trình giải quyết tố cáo, chúng tôi luôn mong muốn sự thật không như nội dung tố cáo. Nếu kết quả xác minh, kết luận của các cơ quan cùng tham gia không phải như vậy, có nghĩa là không ai bị xấu đi tình trạng của mình thì chúng tôi cũng rất mừng. Rất tiếc là sự thật không được như mong muốn đó. 
 
Sau sự việc này, Bộ GDĐT cũng bị ảnh hưởng, nhưng không vì điều đó mà giải quyết tố cáo sai lệch, dung túng cho việc đạo văn. Chúng tôi luôn quan niệm rằng để giảm thiểu những tồn tại, bất cập thì cách tốt nhất là đối mặt với nó. Qua sự việc này, cũng mong những ai còn nghĩ đơn giản về việc làm luận án sẽ phải thay đổi và quá trình thẩm định luận án sẽ ngày càng chặt chẽ, có trách nhiệm hơn, chất lượng các luận án sẽ tốt hơn". 
 
Theo thông tin mà vị đại diện của Bộ GDĐT cung cấp, đây là vụ việc quan trọng nên khi giải quyết tố cáo, Bộ GDĐT đã hết sức cẩn trọng. Nhận được đơn tố cáo của công dân từ ngày 11/ 7 nhưng đến ngày 4 tháng 10 (sau gần ba tháng thụ lý, xác minh theo thủ tục luật định), Bộ GDĐT mới có kết luận về nội dung tố cáo; ngày 11/10 mới ra quyết định thu bằng tiến sĩ. Chúng tôi không cho phép mắc bất cứ một sai sót nào. 
 
Chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Xuân Quế
 
Người đại diện của Bộ GDĐT cho biết: “Hội đồng xác minh luận án do Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Kinh tế học thành lập, sau khi xem xét, đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã nộp tại Thư viện quốc gia (có nội dung giống với các luận án đã nộp cho Thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân và nộp cho Bộ GD-ĐT) với luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế đã kết luận như sau: luận án của ông Hoàng Xuân Quế được sao chép 52,5 /159 trang, trong đó chương 3 được sao chép 29/44 trang. 
 
Nếu loại bỏ phần sao chép thì luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn". 
 
Khi giải quyết tố cáo, Bộ GDĐT đã xem xét rất kỹ những ý kiến giải trình của ông Hoàng Xuân Quế và trong hồ sơ gửi lên tòa án, Bộ cũng đã đưa ra quan điểm cụ thể về nội dung khởi kiện của ông Quế. Ví dụ như:
 
Thứ nhất, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng đã nộp nhầm hoặc bị đánh tráo luận án thì Thư viện quốc gia khẳng định: Quy trình lưu giữ luận án tại thư viện này được tổ chức chặt chẽ, khoa học và không thể thực hiện được việc đánh tráo luận án.
 
Thứ hai, về ba cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp lại cho Bộ GDĐT sau khi có đơn tố cáo và khẳng định đó mới là các cuốn luận án đã dùng khi bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước: Bộ GDĐT đã đề nghị Viện khoa học hình sự, Bộ công an xem xét ba cuốn luận án này.
 
Kết quả: có một cuốn luận án đóng bìa cứng, hai cuốn đóng bìa mềm, điều này không đúng với quy định của Bộ GDĐT. Ba cuốn có dấu hiệu phông chữ và lề các trang bị tố cáo là sao chép khác với phông chữ và lề các trang còn lại; có nhiều lỗ ghim khác nhau ngoài số lỗ ghim dập để đóng quyển luận án… 
 
Thứ ba, có ý kiến Bộ không xem xét quan điểm của các nhà khoa học bảo vệ cho luận án của ông Quế; đó là ý kiến của ông Lê Văn Hưng, ông Nguyễn Hữu Tài (người hướng dẫn của ông Quế) gửi Bộ ngày 14/9/2013: "Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế đã tiếp thu và sửa chữa nghiêm túc những vấn đề đã được tập thể giáo viên hướng dẫn khoa học yêu cầu bổ sung và chỉnh sửa... thông tin cho rằng bản luận án chính thức của anh Hoàng Xuân Quế bảo vệ tại hội đồng đánh giá luận án cấp nhà nước có sự sao chép y nguyên một phần là không có cơ sở"; và ý kiến của bà Dương Thu Hương (người hướng dẫn 1 của ông Mai Thanh Quế) tại văn bản gửi Bộ ngày 19/9/2013: "Thông tin cho rằng luận án của anh Hoàng Xuân Quế trùng lặp nguyên văn một số phần luận án tiến sĩ của Mai Thanh Quế là không có cơ sở". 
 
Tuy nhiên, đại diện của Bộ GDĐT cho biết các nhà khoa học chỉ gửi ý kiến, không có bất cứ bằng chứng khách quan nào kèm theo để chứng minh cho điều đã khẳng định. Trong khi những chứng cứ Bộ GDĐT đã thu thập được lại dẫn đến kết luận nhiều nội dung trong luận án tiến sĩ của ông Quế đã được sao chép.
 
Bên cạnh đó, ông Hoàng Xuân Quế có lên tiếng về việc Bộ đưa ra quyết định phiến diện không đầy đủ, nhưng đại diện Bộ GDĐT khẳng định đã thu thập, xem xét chứng cứ từ nhiều nguồn, trong đó có các tài liệu mà ông Hoàng Xuân Quế cung cấp. Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ, thông tin thu thập được, có mời một số đơn vị thuộc Bộ công an và Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học tham gia, Bộ GDĐT có đủ cơ sở để ban hành Kết luận số 1254//KL-BGDĐT.
 
Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa đặt vấn đề thuê Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tòa. Theo thông tin từ Bộ GDĐT, Bộ trưởng đã ủy quyền cho hai công chức trực tiếp tham gia tố tụng trước tòa với tư cách là đại diện người bị kiện. 
 
Thanh Huyền 

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Phát hiện thêm nhiều sai phạm “động trời” của tiến sỹ "đạo văn"

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/bandoc/2013/10/44024.html

KTNT- Ngày 17/10 vừa qua, trên cơ sở kết luận tố cáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký quyết định hủy bỏ học vị tiến sỹ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Ngay sau đó, ông Hoàng Xuân Quế đã có phản ứng và đưa thông tin sẽ kiện Bộ GD&ĐT ra Tòa. Lật lại vụ việc cho thấy ông Quế không chỉ sai phạm trong "đạo luận văn" mà đã từng bị phát hiện thêm nhiều sai phạm "động trời" khác.

Chi khống hàng trăm triệu đồng?
Giai đoạn 2008-2011, ông Quế là Trưởng Khoa Ngân hàng –Tài chính (tiền thân của Viện Ngân hàng – Tài chính). Trong thời gian làm Trưởng Khoa, theo Kết luận Thanh tra số 556/KL-Ttra ngày 17/5/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD thanh tra toàn diện hoạt động của Khoa Ngân hàng – Tài chính từ tháng 1/2009 đến tháng 11/2011 cho thấy, ông Quế đã có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, cụ thể: đã tự ý ban hành và áp dụng quy định tạm thời về quy trình bảo vệ chuyên đề của học viên cao học trái với quy định của trường. Quy định do ông Quế tự xây dựng bắt buộc “học viên phải mang hồ sơ trực tiếp gặp Trưởng Khoa khi xin thành lập hội đồng…”. Theo một số giảng viên phản ánh, việc làm trên đã tạo thủ tục phiền hà, gây khó dễ cho học viên cao học.

Đồng thời, theo Kết luận thanh tra, các Bộ môn trong Khoa bị ông Quế cô lập, không được tham gia vào quá trình thành lập hội đồng, phân công giáo viên hướng dẫn như quy định của Trường. Nghiêm trọng hơn, theo sự chỉ đạo của ông Quế, Trung tâm thuộc Khoa Ngân hàng – Tài chính đã có dấu hiệu “ép” 17 lớp sinh viên (khoảng 1.200 sinh viên) hệ tại chức (VLVH) tại các địa phương phải học lớp ngắn hạn trước khi thi tốt nghiệp dưới mác lớp ngắn hạn “nâng cao” với học phí trung bình 1.000.0000 đồng/sinh viên không đúng như tinh thần chỉ đạo của Ban Giám hiệu. Có những lớp đào tạo nhưng không cấp chứng chỉ phải trả lại tiền cho sinh viên như lớp tại Hải Dương.

Nghiêm trọng hơn, trong quản lý tài chính, ông Hoàng Xuân Quế có trách nhiệm đối với khoản chi khống số tiền 339.556.300 đồng. Theo Kết luận thanh tra, số tiền này đã chi khống, vi phạm quy định về kế toán – tài chính và phải được thu hồi về tài khoản Viện Ngân hàng – Tài chính.
Ngoài ra, theo xác minh của phóng viên, đối với 8 lớp theo hợp đồng ký kết của Trung tâm thuộc Khoa Ngân hàng – Tài chính với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, có dấu hiệu ông Quế đã chỉ đạo chi khống số tiền 449.600.000 đồng cho thuê hội trường, một số hóa đơn thuê hội trường có dấu hiệu giả mạo.

Sau khi có kết luận thanh tra, Hiệu trưởng Phạm Mạnh Hùng đã chỉ đạo Viện Ngân hàng – Tài chính tổ chức kiểm điểm trách nhiệm ông Hoàng Xuân Quế và các cá nhân khác có vi phạm song ông Hoàng Xuân Quế đã không đến, các cá nhân khác cũng không làm bản kiểm điểm. Ngay sau đó, Viện Ngân hàng – Tài chính đã có báo cáo Hiệu trưởng để xin ý kiến song cho đến nay sau gần 3 tháng vẫn rơi vào im lặng một cách khó hiểu(!). Có giảng viên đã bức xúc “việc ông Hoàng Xuân Quế có sai phạm đủ xử lý hình sự song Nhà trường không kiên quyết xử lý dẫn đến nghi ngại có sự dung túng, bao che từ đó làm mất đi niềm tin của cán bộ, đảng viên”.

Ngày 03/02/2013, sinh viên Đ.T.T.H tại Điện Biên đã thay mặt lớp viết đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Quế gửi Hiệu trưởng Nhà trường, trong đơn có đoạn viết “…bản chất việc làm của Thầy Quế là làm tiền của học viên, là biểu hiện của sự tha hóa, biến chất không xứng đáng của một người Đảng viên, không xứng đáng đứng trên bục giảng cho bao thế hệ đàn em và càng không xứng đáng với danh hiệu phó giáo sư, tiến sỹ…”.

Sự việc bà Phạm Thị Hoa vu khống Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam và Trưởng phòng TCCB Nguyễn Đức Hiển nhận tiền khi xin việc và làm ầm ĩ trước cổng trường vào dịp Tết âm lịch 2013 đã được cơ quan công an và Thanh tra Bộ kết luận là không đúng. Theo phản ánh, ông Quế đã nhắn tin và điện thoại từ số máy di động của ông Quế (số máy 0989666xxx) đến số máy di động của bà Hoa. Sau khi cơ quan công an vào xác minh, ông Quế đã nhắn tin cho giảng viên Đ.V.H (số máy 09822xxx) và thanh minh rằng điện thoại là do cậu em ở quê ra trông nhà hộ nên cho sử dụng.
Có dấu hiệu giả tạo hồ sơ!
Theo Kết luận của Thanh tra Bộ và kết quả giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự - Bộ Công An, các bản luận án được ông Quế “xin lại” từ các thành viên hội đồng rõ ràng có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ. Hành vi giả mạo, hồ sơ, tài liệu này của ông Hoàng Xuân Quế và các cá nhân liên quan phải bị xử lý theo quy định tại Điều 267 của Bộ Luật hình sự.
Hiện nay ông Quế đã bị hủy bỏ học vị và đang bị xem xét xử lý kỷ luật đảng viên và viên chức song ông này vẫn dự họp Đảng ủy, vẫn dự họp hội đồng đánh giá các luận án, luận văn và đi giảng dạy. Vì vậy, căn cứ vào Điều 54 của Luật Viên chức, cho dù ông Quế có “kiện” Bộ, đáng lẽ Hiệu trưởng Đại học KTQD phải nhanh chóng có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Quế hoặc tạm thuyên chuyển ra đơn vị khác.

Kể từ khi ông Quế nhận được học vị Tiến sỹ, ông đã hướng dẫn khoảng 12 tiến sỹ, 65 thạc sỹ và trên 300 cử nhân, tham gia hàng trăm hội đồng đánh giá luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ.

Đối với các sai phạm khác của ông Hoàng Xuân Quế, thiết nghĩ Đảng ủy và Hiệu trưởng Đại học KTQD cần nghiêm túc xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không nên im lặng để dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ có sự dung túng, bao che.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_LSTQtdnJxaTZMYXM/


Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Làm rõ câu chuyện “một nửa sự thật” nhằm đánh lạc hướng dư luận của ông Hoàng Xuân Quế - Tiến sỹ bị hủy bỏ học vị và một số cá nhân có liên quan

Nguồn: http://moitruongvasuckhoe.vn/tin-tuc/lam-ro-cau-chuyen-mot-nua-su-that-nham-danh-lac-huong-du-luan-cua-ong-hoang-xuan-que-tien-sy-bi-huy-bo-hoc-vi-va-mot-so-ca-nhan-co-lien-quan-2558.html

  (MT&SKO) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Kết luận tố cáo và quyết định “hủy bỏ học vị Tiến sỹ”, ông Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân có liên quan đã cố tình dùng chiêu bài “một nửa sự thật” quen thuộc đã làm mất ổn định Nhà trường trong gần 2 năm qua đó là đưa ra các thông tin một chiều, không có căn cứ pháp lý với mục đích lung lạc và định hướng sai dư luận. Tuy vậy, “một nửa chiếc bánh mỳ là bánh mỳ, còn một nửa sự thật về Hoàng Xuân Quế không bao giờ là sự thật”!.


Ông Hoàng Xuân Quế
 
Chiêu bài “một nửa sự thật” của Hoàng Xuân Quế và một số người cố tình bao che
Ông Hoàng Xuân Quế và một số thành viên bênh vực cho rằng, bản Luận án lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam không có chữ ký của ông Quế và không có các tài liệu kèm theo thì không được xem là căn cứ để xử lý. Mặt khác, Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân bao che nói rằng Bộ đã “bỏ qua một số bằng chứng cũng như phớt lờ ý kiến của một số nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong Hội đồng chấm luận án”. Song thực tế bằng rất nhiều chiêu trò “lôi kéo” của ông Quế, cũng chỉ có 3/7 thành viên trong Hội đồng, 1/2 giáo viên hướng dẫn và 1/2 người phản biện độc lập có ý kiến về Kết luận và Quyết định của Bộ GD&ĐT, trong khi một số thành viên khác không có ý kiến hoặc chỉ xác nhận về quy trình bảo vệ. Trên thực tế trước khi công bố kết luận chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo với ông Quế và đại diện của Trường ĐHKTQD bản dự thảo kết luận được soạn thảo một cách rất chặt chẽ dựa trên các bằng chứng và cơ sở pháp lý đầy đủ cũng như đã nghiên cứu rất kỹ các biên bản làm việc của A83, kết quả thẩm định các bản luận án “chính thức” do ông Quế nộp ngày 10/7/2013 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, ý kiến xác nhận bằng văn bản của các thành viên Hội đồng, của giáo viên hướng dẫn và người phản biện độc lập.
Tại thời điểm năm 2003, Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định bắt buộc phải có lời cam đoan và nếu có lời cam đoan cũng không quy định bắt buộc ký. Lời cam đoan có ý nghĩa là cam đoan danh dự về công trình nghiên cứu. Ngoài ra, theo quy định tại thời điểm năm 2003, Luận án nộp tại các Thư viện không quy định phải nộp kèm theo như ông Quế đã “kêu oan”. Việc ông Quế cho rằng có thể nộp nhầm luận án là lý do hết sức “ngây thơ” vì theo như Kết luận tố cáo của Bộ, các bản luận án lưu tại các Thư viện quốc gia, Thư viện Đại học KTQD có nội dung hoàn toàn trùng khớp với bản Luận án ông Quế đã nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án lưu tại Thư viện Tổng hợp Thành phố HCM. Đồng thời, cần lưu ý rằng, bản luận án có thể được coi là “nộp nhầm” khi còn để lại những khiếm khuyết về hình thức như lỗi chính tả, đóng ngược trang ... hay những chỗ chưa sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng, tuyệt đối không phải là bản luận án có nội dung sao chép của người khác. Hơn thế nữa, chính từ Luận án Tiến sỹ đạo của người khác, năm 2004, tức là một năm sau thời gian bảo vệ, ông Hoàng Xuân Quế còn xuất bản thành sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004) để được phong học hàm Phó Giáo sư. Đồng thời, Tổ xác minh và Cơ quan An ninh, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự, Bộ Công An cũng đã có kết luận mấy cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế “xin lại” từ các thành viên hội đồng để nộp lại cho Bộ ngày 10/7/2013 sau khi bị phát giác đạo văn để chứng minh đó là các cuốn “chính thức” là không khách quan, hơn 50 trang sao chép y nguyên từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế đã được ông Hoàng Xuân Quế thay thế. Kết luận chi tiết của cơ quan giám định còn chỉ ra 3 cuốn luận án đã được ông gỡ ghim, đóng lại đến 76 lần (!). Như vậy, hành vi giả mạo, hồ sơ, tài liệu này của ông Hoàng Xuân Quế và các cá nhân liên quan, phải bị xử lý theo quy định tại Điều 267 của Bộ Luật hình sự.
Bức xúc trước những thông tin phản ánh chưa toàn diện và đầy đủ, có dấu hiệu bị cắt xén để gây hiểu lầm và định hướng sai dư luận về quan điểm, ý kiến của Thư viện Quốc gia Việt Nam đối với vụ việc liên quan đến ông Hoàng Xuân Quế, ngày 17/10/2013, Giám đốc và Trưởng phòng lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đồng ý trả lời phỏng vấn để xác nhận chính thức các thông tin chính thống của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Sau khi có kết luận tố cáo, một số cá nhân cố tình bênh vực cho ông Hoàng Xuân Quế cho rằng cách làm của Bộ là “bất thường”, “thiếu khách quan”, “phủ nhận quy trình bảo vệ chặt chẽ luận án do Bộ ban hành”; đồng thời đề nghị Bộ phải tham vấn ý kiến của các thành viên Hội đồng chấm Luận án của ông Quế cách đây 10 năm và làm việc với tập thể giáo viên hướng dẫn trước khi Bộ ban hành kết luận. Đây là những ý kiến không đúng vì quá trình xử lý của Quế đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Một số cá nhân đặt vấn đề rất đơn giản là luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ và kết luận tố cáo đã làm Bộ phủ nhận chính quy trình của Bộ và cũng phủ nhận kết quả nghiên cứu của NCS Hoàng Xuân Quế và cũng là công sức của tập thể giáo viên hướng dẫn. Câu trả lời là nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội đồng là đánh giá chất lượng của luận án. Việc phát hiện đạo văn không phải là dễ dàng bởi các thành viên trong Hội đồng không thể biết và đọc được tất cả các luận án hay các công trình khoa học đã được công bố để có thể phát hiện sự sao chép. Bản luận án được ông Hoàng Xuân Quế sao chép từ một bản Luận án đã được bảo vệ thành công nên đương nhiên dễ dàng “lọt” qua cửa ải đánh giá, thậm chí cũng vì do “đạo văn không bị phát hiện” nên Luận án của Hoàng Xuân Quế còn được đánh giá xuất sắc cũng là điều dễ hiểu! Đồng thời, cũng do nguyên nhân các thành viên Hội đồng, đặc biệt là phản biện độc lập chưa hoàn thành nhiệm vụ nên đã không phát hiện được hành vi “ăn cắp” kiến thức của Hoàng Xuân Quế.
Tuy vậy, điều ngạc nhiên và gây ra sự phẫn nộ của đông đảo dư luận là có những người là thành viên phản biện độc lập, thành viên Hội đồng còn lớn tiếng bênh vực cho ông Hoàng Xuân Quế. Thậm chí, có chuyện hài hước như bản luận án được giáo viên hướng dẫn chỉnh sửa đáng lẽ phải giao cho nghiên cứu sinh (ông Hoàng Xuân Quế) cầm về để hoàn thiện nhưng lại được chính giáo viên hướng dẫn đó giữ suốt 10 năm qua (!) và chỉ đến khi bị phát giác học trò của mình “đạo văn” lại ký xác nhận đó là “bản thảo cuối cùng” rồi mới đưa cho ông Hoàng Xuân Quế nộp lại cho Bộ vào tháng 7/2013. Phải chăng do biết giám định tuổi mực, tuổi giấy là khó khăn nên hai thầy – trò cố tình ngụy tạo chứng cứ? Tuy vậy, điều cần nhấn mạnh là các bản Luận án nộp lại sau 10 năm của ông Hoàng Xuân Quế, kể cả bản thảo được gọi “chính thức” do giáo viên hướng dẫn giữ suốt 10 năm qua vẫn có nội dung đạo từ hai Luận văn Thạc sỹ bảo vệ từ năm 2002 bên cạnh nội dung chương 3 vẫn đạo từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế (có lẽ do Hoàng Xuân Quế cũng không trực tiếp làm luận án nên không biết luận án của mình đã được sao chép của những ai nên không thể sửa chữa, gia cố sau khi bị phát giác).
Liên quan đến sự việc này, thật đáng buồn có những người tự cho là “chuyên gia đầu ngành”, thậm chí giữ các cương vị quản lý nhưng lại không có trách nhiệm trong khoa học, sau khi sự việc xảy ra lại bao biện, bênh vực cho Tiến sỹ đạo văn Hoàng Xuân Quế. Có những ý kiến phản ánh rằng, rất có thể những người này đã vô tình bị ông Quế dùng “tiểu xảo” khi đưa ký các bản nội dung đã chuẩn bị trước. Dư luận phản ánh, sau khi sự việc bị phát giác, ông Quế đã dùng mọi cách để nhờ các thành viên khác như GS.TS. Cao Cự Bội, PGS.TS. Nguyễn Thị Bất, GS.TS. Nguyễn Văn Nam… ký xác nhận như đã làm với các thành viên hội đồng khác nhưng bất thành vì các nhà khoa học này không thể đánh mất mình, không thể bao che cho sai phạm của ông Quế.
Sau khi thấy khó có thể biện minh cho hành vi đạo văn, Hoàng Xuân Quế những người cố tình bao che lại quay sang việc cho rằng “thu hồi bằng là sai quy định vì đã hết thời hiệu xử lý do ông ta đã vi phạm cách đây 10 năm”. Điều này thật nực cười vì Bộ thực hiện hủy bỏ học vị Tiến sỹ của ông Quế là căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy  định  quản  lý  văn  bằng,  chứng  chỉ  giáo  dục  phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục  đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết  định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2002  của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy định này không có thời hiệu cho việc thu bằng, nếu sau 10 năm hay hàng chục năm một cá nhân bị phát hiện đạo văn như ông Quế vẫn sẽ bị thu bằng.
Lạ kỳ hơn, do không nghiên cứu đầy đủ các quy định nên vị Luật sư của ông Hoàng Xuân Quế còn cho rằng “nếu ông Hoàng Xuân Quế có chép tài liệu của người khác thì cũng là hành vi trích dẫn. Không có quy định của pháp luật về việc thế nào là “đạo văn” và phải trích dẫn thế nào trong Luận án, nên không có cơ sở kết luận ông Hoàng Xuân Quế trích dẫn hay sao chép “không hợp pháp” và “... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nghiên cứu sinh được đưa vào Luận án dưới 50% nội dung không phải là của mình”.
Vi phạm pháp luật về Tố cáo
Việc ông Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân bênh vực cho sai phạm của ông Quế (ông Lê Du Phong, ông Lê Văn Hưng…) phản ánh thông tin về danh tính người tố cáo là GS.TS. Nguyễn Văn Nam, PGS.TS. Trần Đăng Khâm, TS. Đặng Ngọc Đức…là các thông tin chưa có kiểm chứng. Việc đưa tin về danh tính người tố cáo đã vi phạm Điều 36 của Luật Tố cáo, Điều 13 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.  Theo xác minh của phóng viên, liên quan đến vụ việc này, trên cơ sở một số cá nhân hiểu rất rõ về ông Hoàng Xuân Quế cũng như hiểu rất rõ về quá trình viết và bảo vệ luận án tiến sỹ của ông đã gửi chứng cứ, tài liệu đến Viện Ngân hàng – Tài chính nên có rất nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Giảng viên đã kiến nghị Bộ xử lý sai phạm nghiêm trọng ảnh hướng đến ngành giáo dục của ông Hoàng Xuân Quế. Thậm chí, có cả đại biểu Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến đề nghị Bộ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong thư gửi tòa báo, một giảng viên đã bức xúc “Ông Lê Du Phong là người đã có những phát biểu mang tính cá nhân và xúc phạm người đến khác cần phải bị xem xét xử lý tội vu khống…Phải chăng ông ta bảo vệ ông Hoàng Xuân Quế vì chính họ là những người đã cấu kết gây nên những bất ổn cho Đại học KTQD trong suốt hai năm qua? Hành xử và lời nói của ông Lê Du Phong không phù hợp với tư cách nguyên là lãnh đạo Nhà trường; hành vi bao che của ông Phong khiến người ta nghi ngờ về đạo đức và sự nghiêm túc của nhà khoa học, nhà giáo…”.

https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_LZ3VYTFlVYWZaSzA/

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Theo quy định của NĐ76 hướng dẫn Luật tố cáo, Kết luận tố cáo được thông báo trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT trong vòng 15 ngày (từ 4/10-21/10/2013). Sau ngày 21/10/2013, file kết luận tố cáo này trên
website của Bộ sẽ không download được. Độc giả có thể download toàn văn Kết luận này tại đây:

http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.15&script=viewdoc&view=5330&opt=brpage

Link dự phòng
http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.15&script=viewdoc&opt=brpage&item=5330&act=save&how=dXBsb2Fkc18yMDEz
https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_Lb0N0U0FpNWNENnM/

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Theo: http://www.moet.gov.vn/?page=1.14&view=5330

Căn cứ đơn tố cáo của công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thụ lý và giao Thanh tra Bộ xác minh nội dung tố cáo của công dân đối với ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng viện Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Xét nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, Báo cáo kết quả xác minh tố cáo, Biên bản công bố dự thảo kết luận nội dung tố cáo, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận như sau:
I. KẾT QUẢ XÁC MINH NỘI DUNG TỐ CÁO
1. Nội dung tố cáo: Ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tác giả luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 với đề tài "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam" đã "đạo văn" tới 30% dung lượng luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2002 của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài "Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường".
2. Nội dung giải trình và các tài liệu do người bị tố cáo cung cấp

Ông Hoàng Xuân Quế đã có các bản giải trình về nội dung tố cáo đề ngày 01/7/2013, ngày 19/9/2013, ngày 21/9/2013, ngày 02/10/2013; giải trình trực tiếp ngày 19/8/2013, ngày 30/9/2013 với Tổ xác minh và đã cung cấp tài liệu minh chứng kèm theo.
Chi tiết : https://docs.google.com/file/d/0B_5Y8N3xZy_Lb0N0U0FpNWNENnM/

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013


Theo http://baolaodongthudo.com.vn/cho-quyet-dinh-thu-hoi-van-bang-tien-sy/63/113975

 LĐTĐ -Sự việc PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học KTQD trong Luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2003 đã sao chép y nguyên khoảng 33%, trong đó riêng chương 3 sao chép 27 trang (chiếm 64,7% số trang của chương) từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế bảo vệ trước đó 1 năm đã gây xôn xao dư luận trong hơn 3 tháng qua.



Căn cứ vào kết quả giám định và xác minh của cơ quan công an, kết quả đối chiếu các bản luận án đã đủ cơ sở xử lý thu hồi văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế song cho đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có quyết định xử lý…
Điểm lại tiến trình xử lý vụ việc “đạo luận án”
Từ ngày 15/6/2013 đến ngày 20/8/2013, cơ quan ngôn luận đã phản ánh về sự việc ông Hoàng Xuân Quế đạo luận án Tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế.
Ngày 24/6/2013, Tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học KTQD và Bộ GD&ĐT về kết quả thẩm định, cho thấy sao chép y nguyên khoảng 47 trang.
Ngày 1/7/2013, trong bản giải trình ông Hoàng Xuân Quế cho rằng mình “nộp nhầm”  luận án vào 10 năm trước và xin nộp lại các bản luận án “chính thức”. Điều ngạc nhiên là lý do “nộp nhầm” này được Bộ chấp nhận và cho phép 10 ngày sau nộp lại các bản luận án cho Bộ.
Ngày 10/7/2013, ông Hoàng Xuân Quế nộp lại 7 cuốn luận án “chính thức” sau 10 năm kể từ ngày bảo vệ (năm 2003) cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ ngày 10/7/2013 đến ngày 13/9/2013: Cơ quan An ninh (A83) tiến hành xác minh và chuyển Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự giám định các bản luận án nộp lại sao 10 năm để xem có phải bản chính thức hay không theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (?)
Ngày 16/7/2013, Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập đã họp thẩm định trên cơ sở đối chiếu 2 bản luận án trên Thư viện Quốc gia của PGS.TS Hoàng Xuân Quế và TS. Mai Thanh Quế. Hội đồng đã thống nhất kết luận tỷ lệ sao chép y nguyên khoảng 31% và bỏ phiếu kín kiến nghị thu hồi văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Từ ngày 14/7-20/8/2013: các báo tiếp tục phản ánh bản luận án nộp lại sau 10 năm của ông Hoàng Xuân Quế cho Bộ vẫn “đạo” khoảng 45 trang từ 2 luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ.
Ngày 15/8/2013, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản số 848/UBVHGDTTN13 chuyển đơn thư dân nguyện đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, chỉ đạo giải quyết vụ việc này (trước đó 01 đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giải quyết sự việc)
Tuần từ 16/9-20/9: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp với Tổ xác minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 18/9/2013: Tổ xác minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với ông Hoàng Xuân Quế.
Ngày 20/9/2013: Tổ xác minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với người có đơn tố cáo. Tại biên bản làm việc, người tố cáo khẳng định quan điểm “giữ nguyên và giữ đến cùng nội dung tố cáo”.
Cho đến nay, trước sự việc trên đã có Đại biểu quốc hội, Nhà giáo nhân dân, nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư và giảng viên gửi đơn đến Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị xử lý dứt điểm sự việc trên.
Có hay không việc giả mạo chứng cứ?
Đơn kiến nghị của một Giảng viên cao cấp gửi cơ quan báo phản ánh “chúng tôi được biết, bản kết luận giám định do cơ quan công an chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 13.9.2013 đã ghi rõ: 3 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế nộp lại sau 10 năm được gỡ ghim đóng lại đến 76 lần (!), thực hiện tại nhiều máy photocopy khác nhau, phông chữ nhiều trang khác nhau, có hàng chục trang khác định dạng…Thêm vào đó, tất cả các cuốn luận án đều được ông Hoàng Xuân Quế tự mình lục tìm tại nhà của các thành viên Hội đồng…Bản luận án được đóng bìa mềm không đúng quy định…”. Như vậy, nếu kết luận xác minh và giám định đúng như trên có thể thấy ông Hoàng Xuân Quế có dấu hiệu giả mạo, ngụy tạo chứng cứ.
Ông Hoàng Xuân Quế
Do được “chiếu cố” cho gần 1 tháng từ khi bị phát giác “đạo” của người khác mới phải nộp bản luận án “chính thức” để chứng minh cho lý do “nộp nhầm” nên trong nội dung bản Luận án nộp lên Bộ, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế cũng đã kịp “gia cố” một số nội dung sao chép “y nguyên” từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế trên cơ sở thông tin báo chí đã nêu.
Tuy vậy, qua xem xét nội dung bản Luận án “chính thức” được PGS.TS. Hoàng Xuân Quế nộp cho Bộ sau 10 năm kể từ ngày bảo vệ, chúng tôi nhận thấy nội dung vẫn “đạo” y nguyên hàng chục trang từ hai nạn nhân mới. Cụ thể, nội dung mục 2.2.4 trong Luận án “chính thức”, ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép 10 trang không ghi trích dẫn nội dung mục 2.2 trong Luận văn “Giải pháp đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái ở Việt Nam”của Thạc sỹ Nguyễn Văn Khách, Mã số LV60/03, bảo vệ năm 2002 (trước 1 năm so với thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ Luận án Tiến sỹ) tại Thư viện Học viện Ngân hàng.  Đồng thời, trong Luận án “chính thức” của mình, tại mục 2.2.3, PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã “đạo” hoàn toàn khoảng 11 trang từ mục 2.2.1.1 của Luận văn Thạc sỹ, mã số 48/03, bảo vệ năm 2002 tại Thư viện Học viện Ngân hàng với đề tài “Giải pháp hoàn hiện sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”của Thạc sỹ Hoàng Thị Kim Thanh. Có lẽ, do thông tin phản ánh việc “ăn cắp” thêm từ 2 Luận văn Thạc sỹ được báo chí phản ánh sau ngày 10.7 – thời điểm PGS.TS. Hoàng Xuân Quế phải nộp bản Luận án “chính thức lên Bộ để chứng minh lý do “nộp nhầm” nên ông Quế chưa kịp sửa chữa.
Như vậy, cộng thêm với khoảng 24 trang trong Chương 3 đã “đạo” y nguyên nhưng chưa kịp sửa đầy đủ (mới dừng ở việc thêm bớt vài từ còn ý nghĩa, nội dung từng đoạn không thay đổi) từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế, bản Luận án “chính thức” nộp lên Bộ của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế vẫn còn “đạo” y nguyên đến 45 trang từ người khác. Điều này càng minh chứng cho sự gian dối của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế.
Cần xử lý nghiêm minh
Sự việc ông Hoàng Xuân Quế đạo luận án đến nay đã được hơn 3 tháng kể từ ngày có đơn tố cáo và báo chí phản ánh. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đủ cơ sở để thu hồi văn bằng Tiến sỹ của ông Quế mà không cần đưa đi giám định các bản luận án nộp lại sau 10 năm. Việc chấp nhận lý do nộp nhầm rõ ràng tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong việc xử lý vấn nạn đạo văn và vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Cho đến nay, kết luận giám định của cơ quan công an đã rõ, Hội đồng thẩm định đã quyết nghị thu hồi văn bằng Tiến sỹ, đồng thời bản luận án nộp lại sau 10 năm của ông Hoàng Xuân Quế vẫn “đạo” y nguyên đến 45 trang từ các nạn nhân khác. Từ đó, chúng tôi cho rằng để tránh dư luận không tốt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải quyết định thu hồi ngay văn bằng Tiến sỹ cũng như giao cho Trường Đại học KTQD xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh đảng viên và kỷ luật viên chức đối với ông Hoàng Xuân Quế theo quy định của pháp luật.
N.L

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Nghi án đạo luận án tiến sỹ

LĐTĐ -Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh về việc PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học KTQD, tác giả Luận án bảo vệ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”  bị tố cáo “đạo văn” luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2002 của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng.

Sau khi công luận phản ánh nội dung trên, tổ xác minh do Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD thành lập đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD để sao lưu hai cuốn luận án, tổ chức đối chiếu và làm việc với tác giả luận án bị sao chép là Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng thuộc Học viện Ngân hàng.
Ông Hoàng Xuân Quế
Việc “đạo văn” trong luận án Tiến sỹ là đúng
Ngày 24/6/2013, tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học KTQD. Kết quả xác minh cho thấy, việc sao chép luận án của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế là đúng. Ngoài việc sao chép y nguyên gần 30% nội dung luận án của TS. Mai Thanh Quế, trong luận án của mình, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế còn thể hiện sự cẩu thả khi trích dẫn không đúng, nhiều nội dung khoa học không đúng do lỗi sao chép theo kiểu “cắt – dán”. Tổng cộng luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có 2020 câu, bước đầu phát hiện có 662 câu giống ý nguyên luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu) của luận án.
Ngoài ra, luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo. Theo Quy chế đào tạo sau đại học, NCS cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo theo quy định. Tuy nhiên, trong luận án, ông Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó có 2 trích dẫn nhầm tài liệu. Làm việc với tổ xác minh, TS. Mai Thanh Quế, xác nhận: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”.
Lật tẩy biện minh của Tiến sỹ “đạo văn”
Qua tìm hiểu, tại bản giải trình trong buổi làm việc lần thứ ba với tổ xác minh vào ngày 1/7/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã không trung thực khi đưa ra lý do là bản luận án do chính ông nộp trên Thư viện Quốc gia và thư viện Trường Đại học KTQD cách đây 10 năm sau khi bảo vệ xong để hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tiến sỹ là bản nộp nhầm (?).
Điều khó hiểu là lý do biện minh của ông vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận “sẽ xem xét” tại buổi làm việc ngày 5/7 vừa qua. Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế được lãnh đạo Bộ gia hạn cho nộp bản luận án để chứng minh vào ngày 10/7. Dư luận cho rằng, Bộ đang tạo điều kiện cho vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ này có cơ hội “gia cố” lại luận án để hô biến từ “đạo văn” sang “không đạo văn”.
Ông Quế đã đến gặp 2 thành viên Hội đồng bảo vệ luận án năm 2003 nhờ ký vào bản luận án do ông chuẩn bị sẵn để xác nhận đây là bản luận án cuối cùng. Việc làm này của ông Quế và 2 thành viên Hội đồng có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, cần phải được xem xét xử lý hình sự nếu có đủ cơ sở kết luận.
Tuy vậy, chưa cần giám định để xử lý hình sự, lời biện minh gian dối của ông Hoàng Xuân Quế bị lật tẩy khi chúng tôi tìm thấy cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004. Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế xuất bản từ nội dung luận án Tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003.
Kết quả so sánh nội dung của cuốn sách và bản Luận án của ông Quế trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cho thấy giống nhau gần như hoàn toàn. Kết quả kiểm tra, đối chiếu so sánh luận án tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế  năm 2003 và Sách chuyên khảo của chính ông xuất bản năm 2004 là dẫn chứng xác minh cho những gian dối, sai phạm trên: Luận án tiến sỹ của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế có tổng số 2020 câu, phát hiện có 662 cấu giống Luận án của TS. Mai Thanh Quế chiếm 33,66% dung lượng (theo số câu) của Luận Án.
Tiếp đến Sách chuyên khảo của chính ông có tổng số 1772 câu, phát hiện có 1647 câu giống hoàn toàn với Luận án ông làm năm 2003, chiếm 92,95% dung lượng (theo số câu) của Sách chuyên khảo; phát hiện có 98 câu, chiếm 5,5% dung lượng của Sách chuyên khảo chỉ khác 1, 2 từ, hoặc thêm bớt 1 vài từ, hay vài từ sao chép bị sai lỗi chính tả, nhưng không làm thay đổi nội dung, ý nghĩa của câu. Hơn những thế, trong danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến Luận án của TS.Mai Thanh Quế. Tuy vậy, đến khi xuất bản Sách chuyên khảo trên, ông lại đưa luận án tiến sỹ của TS. Mai Thanh Quế vào mục Tài liệu tham khảo, mặc dù chưa có sự đồng ý của tác giả!?
 Ảnh bìa luận án
Điều này cho thấy, việc “biện minh” nộp nhầm bản thảo luận án lên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD của ông Hoàng Xuân Quế là không đúng sự thật. Từ bản luận án Tiến sỹ sao chép của TS. Mai Thanh Quế, ông Hoàng Xuân Quế còn  in và xuất bản thành sách chuyên khảo năm 2004 với số lượng lên đến 1000 cuốn. Cuốn sách chuyên khảo “đạo văn” này cũng đã được ông Hoàng Xuân Quế nộp trong hồ sơ xét công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2009. Trang bìa của sách chuyên khảo này còn in quảng cáo của hai ngân hàng và một công ty chứng khoán, điều này vi phạm Luật Xuất bản.
Cần có biện pháp xử lý
PGS.TS. Hoàng Xuân Quế đã vi phạm khoản 2 Điều 58 của Luật Giáo dục đại học quy định về những điều giảng viên không được làm “Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học”; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm khoản 6 Điều 19 của Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm, thể hiện sự gian lận và thiếu trung thực của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học KTQD và của ngành giáo dục Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế (năm 2003), hành vi vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế có tính chất và mức độ rất nghiêm trọng phải bị xử lý kỷ luật theo Luật viên chức theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/1998, Điều 41 của Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ vào Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét thu hồi theo đúng quy định. Đồng thời, căn cứ vào Điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, học hàm PGS của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Trường Đại học KTQD phải xem xét xử lý kỷ luật đảng viên đối với ông Hoàng Xuân Quế theo quy định tại Quy định 181/QĐ-TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị. Dư luận đang trông chờ quyết định xử lý nghiêm minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan, để tình trạng “đạo văn”, “gian lận” trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và gian dối trong việc nâng cấp học hàm, học vị trong các Ngành, các Cấp và Ngành giáo dục đào tạo của nước nhà được sớm chấn chỉnh nghiêm túc.
Ngọc Lựu
Nguồn: http://baolaodongthudo.com.vn/nghi-an-dao-luan-an-tien-sy/63/107934

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Phó giáo sư Trường Đại học KTQD bị tố cáo “đạo văn”: “Chế biến” luận án đạo văn thành sách để có học hàm

Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh về việc PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học KTQD bị tố cáo “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án Tiến sỹ và bịa đặt các số liệu, bảng biểu. Không dừng lại ở đó, được biết, mới đây, Tổ xác minh của nhà trường còn phát hiện luận án đạo văn này tiếp tục được xào nấu, in thành sách chuyên khảo để giúp cho ông Quế được phong học hàm phó giáo sư. Sai phạm đã rõ, song đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn im lặng khó hiểu trước sai phạm có thể coi là một “điển hình”, đáng báo động về thực trạng chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta…
Theo đơn thư phản ánh của một giảng viên đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính: Luận án Tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế, mã số LATS 576 tại thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã sao chép y nguyên nội dung 53 trang (chiếm khoảng 30% tổng số trang của mỗi luận án) Luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của NCS Mai Thanh Quế, Mã số LA83 tại Trung tâm Thông tin - Thư viên của Học viện Ngân hàng, đề tài “Các giải pháp  hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”…

 Đã sao chép hơn 30% còn “bịa số liệu”
Kiểm tra tại Thư viện Quốc gia nơi lưu trữ hai Luận án trên, kết quả so sánh cho thấy, nội dung phản ánh trên là đúng sự thật.
Được biết, sau khi công luận phản ánh nội dung trên, Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD đã thành lập Tổ xác minh do Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học làm Tổ trưởng. Tổ xác minh đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD để sao lưu hai cuốn Luận án, tổ chức đối chiếu và làm việc với tác giả Luận án bị sao chép là Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng thuộc Học viện Ngân hàng.
Ngày 24/6/2013, Tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học KTQD. Theo nguồn tin của riêng phóng viên, kết quả xác minh cho thấy, việc sao chép Luận án của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế như đơn phản ánh là đúng sự thật. Ngoài việc sao chép y nguyên gần 30% nội dung Luận án của Tiến sỹ Mai Thanh Quế, trong Luận án của mình, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế còn thể hiện sự cẩu thả khi trích dẫn không đúng, nhiều nội dung khoa học không đúng do lỗi sao chép không phù hợp. Một số bảng biểu được tác giả Luận án (PGS.TS. Hoàng Xuân Quế) sao chép, “bịa số liệu” cho đến thời điểm bảo vệ (năm 2003).
Tổng cộng Luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có 2020 câu, phát hiện có 662 câu giống Luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu) của Luận án. Trong đó: Có 375 câu giống hoàn toàn luận án của Mai Thanh Quế, chiếm 18,56% dung lượng của Luận án.
Luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo. Theo Quy chế đào tạo sau đại học, NCS cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo theo quy định. Tuy nhiên, trong luận án của Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó: Chương 1 là chương tổng hợp lý thuyết, thường trích dẫn nhiều nhất, song không có một trích dẫn tài liệu tham khảo nào trong chương này. Ngoài ra, trong luận án của Hoàng Xuân Quế còn nhiều chỗ có chú thích xem bảng, nhưng lại không cụ thể là bảng nào. Trang 111 dòng 8 từ dưới lên, khi mô tả tổng phương tiện thanh toán và diễn biến thị trường tiền tệ, Hoàng Xuân Quế chỉ dẫn (thể hiện bảng 2.23), nhưng trong thực tế không có bảng 2.23…”
Làm việc với Tổ xác minh, Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã có bản xác nhận: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có Luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”.
 “Xào nấu” luận án đạo văn thành sách chuyên khảo để phong học hàm PGS
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, tại buổi làm việc lần thứ ba với Tổ xác minh vào ngày 1/7/2013 để nghe kết quả xác minh, ông Hoàng Xuân Quế đã quanh co, không trung thực khi đưa ra lý do hết sức “ngây thơ” và phi lý là bản Luận án (có nội dung sao chép – PV) do chính ông nộp trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cách đây 10 năm sau khi bảo vệ xong để hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tiến sỹ là bản nộp nhầm, không phải là bản cuối cùng (?).

Hai cuốn luận văn của ông Mai Thanh Quế và Hoàng Xuân Quế
  Tuy nhiên, hành vi gian dối, thiếu trung thực này tiếp tục bị lật tẩy khi chúng tôi tìm thấy cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004). Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế xuất bản từ nội dung Luận án Tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003. Kết quả so sánh nội dung của cuốn sách và bản Luận án của ông Quế trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cho thấy giống nhau gần như hoàn toàn. Điều này cho thấy, việc “biện minh” nộp nhầm bản thảo Luận án lên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD của ông Hoàng Xuân Quế là không đúng sự thật. Từ bản luận án Tiến sỹ sao chép của TS. Mai Thanh Quế, ông Hoàng Xuân Quế còn “bạo gan” in và xuất bản thành sách chuyên khảo năm 2004 với số lượng lên đến 1000 cuốn và gửi tặng cho nhiều người. Cuốn sách chuyên khảo “đạo văn” này cũng đã được ông Hoàng Xuân Quế nộp trong hồ sơ xét công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2009. Trang bìa của sách chuyên khảo này còn in quảng cáo của hai ngân hàng và một công ty chứng khoán, điều này vi phạm Luật Xuất bản.

 Cuốn sách chuyên khảo “đạo văn”

Có hay không việc “bao che” cho sai phạm đạo văn
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, ông Quế đã đến gặp 2 thành viên Hội đồng bảo vệ Luận án trước đây để ký vào bản Luận án do ông Quế chuẩn bị sẵn để xác nhận đây là bản Luận án cuối cùng. Việc làm này của ông Quế và 2 thành viên Hội đồng có dấu hiệu giả mạo hồ sơ. Chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu ông Hoàng Xuân Quế và những người ký xác nhận vào bản Luận án cần cam kết, sau đó chuyển cơ quan công an giám định và làm rõ xem có hành vi cấu kết làm sai lệch, giả mạo hồ sơ hay không? Nếu có phải xem xét xử lý hình sự.
Tại cuộc họp ngày 5/7 giữa lãnh đạo Bộ và Trường Đại học KTQD, cũng có ý kiến “bao che”, “đồng tình” với lý do biện minh “nộp nhầm” Luận án của ông Hoàng Xuân Quế. Việc ông Hoàng Xuân Quế đưa ra lý do nộp nhầm Luận án rõ ràng là không thể chấp nhận được. Vì vậy, những ai có ý định “bao che” cho ông Quế cần phải kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ.
 Cần sớm thu hồi học hàm, học vị và xử lý kỷ luật
Như vậy, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế đã vi phạm khoản 2 Điều 58 của Luật Giáo dục đại học quy định về những điều giảng viên không được làm “Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học”; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm khoản 6 Điều 19 của Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm, thể hiện sự gian lận và thiếu trung thực của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học KTQD và của ngành giáo dục Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế (năm 2003), hành vi vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế có tính chất và mức độ rất nghiêm trọng phải bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/1998, Điều 41 của Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét thu hồi theo đúng quy định. Ngoài ra, căn cứ vào Điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, học hàm PGS của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được xem xét hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã gửi thông tin đến hộp thư nóng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận email: pvluan@moet.edu.vn để phản ánh sự việc. Tuy nhiên, trái ngược với quảng bá “mong muốn tiếp thu, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục” mà ông Luận công bố trên báo chí gần đây, đến nay, chúng tôi vẫn chưa hề nhận được phản hồi của ông Phạm Vũ Luận.
Chiều 4-7, trao đổi với báo chí,  GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết: Ông chưa nhận được công văn chính thức của Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng đã nắm thông tin bước đầu về sự việc qua báo chí. Theo GS Trần Văn Nhung, cần sớm thành lập một hội đồng để xem xét, nếu đủ căn cứ đạo văn như báo nêu thì phải tước bỏ học vị tiến sĩ, sau đó tước bỏ học hàm phó giáo sư của người sai phạm. Khi có báo cáo của Bộ GD-ĐT và nhà trường, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sẽ xem xét tước bỏ công nhận chức danh Phó Giáo sư theo đúng quy định của pháp luật.

CÔNG MINH
Nguồn: http://vhdn.vn/chong-tieu-cuc/pho-giao-su-truong-dai-hoc-ktqd-bi-to-cao-%E2%80%9Cdao-van%E2%80%9D-%E2%80%9Cche-bien%E2%80%9D-luan-an-dao-van-thanh-sach-de-co-hoc-ham/idt112/nid1076.htm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Trường Đại học KTQD: Có hay không chuyện “đạo” Luận án Tiến sỹ kinh tế?

Theo đơn thư phản ánh của một giảng viên đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính: Luận án Tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế, mã số LATS 576 tại thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, người hướng dẫn khoa học là TS. Lê Văn Hưng và TS. Nguyễn Hữu Tài đã sao chép y nguyên nội dung 53 trang (chiếm khoảng 30% tổng số trang của mỗi luận án) luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của NCS Mai Thanh Quế, Mã số LA83 tại Trung tâm Thông tin - Thư viên của Học viện Ngân hàng, đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”, người hướng dẫn khoa học là TS. Dương Thu Hương, TS. Đinh Thị Diên Hồng.
Theo như phản ánh, khi so sánh 2 luận án trên tại Thư viện Quốc gia cho thấy, tại Chương 1 (Phần lý thuyết), mục 1.1.4 từ trang 13 đến trang 24 trong luận án của NCS Hoàng Xuân Quế giống “y nguyên” nội dung mục 1.2.1 từ trang 13 đến trang 24 trong luận án của NCS Mai Thanh Quế. Phần “kinh nghiệm nước ngoài” trong Chương 1 của hai Luận án cũng giống nhau đến từng từ, từng dấu chấm, phẩy trong 6 trang, tổng cộng toàn bộ Chương 1 của luận án này đã “kế thừa y nguyên như nhau” đến 18 trang.
Đến Chương 2 (Phần Thực trạng), nội dung giữa hai luận án cũng giống nhau trong 8 trang, cụ thể: nội dung các trang 63 (mục 2.2.1), trang 64 (mục a), trang 68 (mục b), trang 69, trang 103 (mục 2.2.4.2), trang 106 (mục 2.2.6), trang 116 (mục 2.2.3), trang 117 của luận án NCS Hoàng Xuân Quế đã “copy” y nguyên từ nội dung các trang 94 (mục 2.3.4.e), trang 90 (mục 2.2.3.4.c), trang 99 (mục 2.2.3.4.g), trang 106 (mục 2.3.3), trang 107 của luận án NCS Mai Thanh Quế. Điều “bất ngờ” là cả 2 tiến sỹ đều có các phân tích, đánh giá khoa học giống nhau đến ngạc nhiên.
Trong chương 3 là phần giải pháp và kiến nghị riêng của các NCS song hai luận án lại có nội dung giống nhau hoàn toàn đến 27 trang. Cụ thể, nội dung từ trang 121 đến 123 trong luận án của NCS Hoàng Xuân Quế đã “xào xáo” giống như đúc với nội dung từ trang 110 đến trang 112 trong Luận án của NCS Mai Thanh Quế, trang 129 đến trang 132 (mục 3.2.1) giống hai dung trang 144-147, trang 132-134 (mục 3.2.1.2) giống trang 142 đến 144 (mục 3.2.4.1.e), trang 143-145 (mục 3.2.2.3 và mục 3.2.4) giống trang 147-149 (mục 3.2.4.1), trang 146 -148 (mục 3.2.4.1) giống trang 152 (mục 3.2.4.2.b), trang 148-151 (mục 3.3) giống trang 163-166 (mục 3.3), trang 153 – 162 (mục 3.3.6, 3.3.7,3.3.8) giống trang 116 (mục 3.2.1), 121 (mục 3.2.5), 160, 161 (mục 3.2.6). Phần kết luận trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế cũng “copy” y nguyên như nội dung tóm tắt Chương 3 của luận án NCS Mai Thanh Quế.
Trong danh mục tài liệu tham khảo, điều vô cùng ngạc nhiên là số thứ tự, tên các tài liệu giống nhau gần như hoàn toàn. Phần tài liệu tiếng Anh trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế có “kế thừa y nguyên” từ NCS Mai Thanh Quế sau đó bổ sung thêm 8 tài liệu cho có phần “hoành tráng” hơn. Trong danh mục tài liệu tham khảo của Luận án NCS Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến luận án của NCS Mai Thanh Quế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tác giả của các luận án trên hiện đang là giảng viên, cán bộ quản lý của hai cơ sở đào tạo có uy tín về ngân hàng – tài chính, đó là Trường Đại học KTQD và Học viện Ngân hàng. NCS Hoàng Xuân Quế (bảo vệ luận án năm 2003) hiện nay đang là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính của Trường Đại học KTQD còn NCS Mai Thanh Quế (bảo vệ luận án năm 2002) đang là Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng của Học viện Ngân hàng.

Ảnh: Bìa 2 Luận án Tiến sỹ lưu giữ tại Thư viện quốc gia
Về vấn đề này, Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã có bản xác nhận với các cơ quan chức năng, nội dung ghi rõ: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”.
Theo điều 47 của Quy chế đào tạo trình độ Tiến sỹ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Trường hợp nghiên cứu sinh bị phát hiện đã có những vi phạm, gian lận trong hồ sơ dự tuyển, trong quá trình dự tuyển, dự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập nghiên cứu, trong quá trình thực hiện và bảo vệ luận án thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến thu hồi văn bằng đã được cấp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Đồng thời, điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp hoặc đã bị thu hồi hoặc tước bằng tiến sĩ thuộc ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư” sẽ bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Việc Luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế hiện đang có nhiều dấu hiệu cho thấy việc “đạo văn”, cần các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ và sớm đưa ra hình thức xử lý thích đáng theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành Vĩnh - Minh Nhật

Nguồn: http://congluan.vn/Item/VN/Dieutra/2013/6/5FD26338D5122C5D/

Nghi án:PGS trường KTQD 'đạo văn' nghiêm trọng trong Luận án Tiến sỹ

(GDVN) - Theo đơn thư phản ánh đến báo Giáo dục Việt Nam: Luận án Tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế đã sao chép y nguyên nội dung 53 trang (chiếm khoảng 30% tổng số trang của mỗi luận án) Luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của NCS Mai Thanh Quế
Theo đó, trong đơn thư phản ánh của một giảng viên đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính: Luận án Tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế, mã số LATS 576 tại thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, người hướng dẫn khoa học là TS Lê Văn Hưng, TS Nguyễn Hữu Tài đã sao chép y nguyên nội dung 53 trang (chiếm khoảng 30% tổng số trang của mỗi luận án) Luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của NCS Mai Thanh Quế, Mã số LA83 tại Trung tâm Thông tin - Thư viên của Học viện Ngân hàng, đề tài “Các giải pháp  hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”, Người hướng dẫn khoa học là TS. Dương Thu Hương, TS. Đinh Thị Diên Hồng

Chúng tôi đã kiểm tra tại Thư viện Quốc gia nơi lưu trữ hai Luận án trên. Kết quả so sánh cho thấy, nội dung phản ánh trên là có căn cứ. Khi so sánh hai Luận án, tại Chương 1 (Phần lý thuyết), mục 1.1.4 từ trang 13 đến trang 24 trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế giống “y nguyên” nội dung mục 1.2.1 từ trang 13 đến trang 24 trong Luận án của NCS Mai Thanh Quế. Phần “kinh nghiệm nước ngoài” trong Chương 1 của hai Luận án cũng giống nhau đến từng từ, từng dấu chấm, phẩy trong 6 trang. Như vậy, trong Chương 1 của hai Luận án đã “kế thừa y nguyên như nhau” đến 18 trang.

Đến Chương 2 (Phần Thực trạng), nội dung hai Luận án cũng giống nhau toàn bộ trong 8 trang, cụ thể như sau: nội dung các trang 63 (mục 2.2.1), trang 64 (mục a), trang 68 (mục b), trang 69, trang 103 (mục 2.2.4.2), trang 106 (mục 2.2.6), trang 116 (mục 2.2.3), trang 117 của Luận án NCS Hoàng Xuân Quế đã “copy” y nguyên từ nội dung các trang 94 (mục 2.3.4.e), trang 90 (mục 2.2.3.4.c), trang 99 (mục 2.2.3.4.g), trang 106 (mục 2.3.3), trang 107 của Luận án NCS Mai Thanh Quế. Điều “bất ngờ” là cả 2 tiến sỹ đều có các phân tích, đánh giá khoa học giống nhau đến ngạc nhiên.

Trong Chương 3 là phần giải pháp và kiến nghị riêng của các NCS song hai Luận án lại có nội dung giống nhau hoàn toàn đến 27 trang. Cụ thể, nội dung từ trang 121 đến 123 trong Luận án của  NCS Hoàng Xuân Quế đã “xào xáo” giống như đúc với nội dung từ trang 110 đến trang 112 trong Luận án của  NCS Mai Thanh Quế, trang 129 đến trang 132 (mục 3.2.1) giống hai dung trang 144-147, trang 132-134 (mục 3.2.1.2) giống trang 142 đến 144 (mục 3.2.4.1.e), trang 143-145 (mục 3.2.2.3 và mục 3.2.4) giống trang 147-149 (mục 3.2.4.1), trang 146 -148 (mục 3.2.4.1) giống trang 152 (mục 3.2.4.2.b), trang 148-151 (mục 3.3) giống trang 163-166 (mục 3.3), trang 153 – 162 (mục 3.3.6, 3.3.7,3.3.8) giống trang 116 (mục 3.2.1), 121 (mục 3.2.5), 160, 161 (mục 3.2.6). Phần kết luận trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế cũng “copy” y nguyên như nội dung tóm tắt Chương 3 của Luận án NCS Mai Thanh Quế.

Trong danh mục tài liệu tham khảo, điều vô cùng ngạc nhiên là số thứ tự, tên các tài liệu giống nhau gần như hoàn toàn. Phần tài liệu tiếng Anh trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế có “kế thừa y nguyên” từ NCS Mai Thanh Quế sau đó bổ sung thêm 8 tài liệu cho có phần “hoành tráng” hơn. Trong danh mục tài liệu tham khảo của Luận án NCS Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến Luận án của NCS Mai Thanh Quế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tác giả của các Luận án trên hiện đang là giảng viên, cán bộ quản lý của hai cơ sở đào tạo có uy tín về ngân hàng – tài chính, đó là Trường Đại học KTQD và Học viện Ngân hàng. NCS Hoàng Xuân Quế (bảo vệ Luận án năm 2003) hiện nay đang là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính của Trường Đại học KTQD còn NCS Mai Thanh Quế (bảo vệ Luận án năm 2002) đang là Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng của Học viện Ngân hàng.

Bìa 2 Luận án Tiến sỹ lưu giữ tại Thư viện quốc gia


Tiến sỹ Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã có bản xác nhận với các cơ quan chức năng (có xác nhận chữ ký và đóng dấu của Học viện Ngân hàng), nội dung ghi rõ “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có Luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”

Điều 47 của Quy chế đào tạo trình độ Tiến sỹ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Trường hợp nghiên cứu sinh bị phát hiện đã có những vi phạm, gian lận trong hồ sơ dự tuyển, trong quá trình dự tuyển, dự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập nghiên cứu, trong quá trình thực hiện và bảo vệ luận án thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến thu hồi văn bằng đã được cấp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, Điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp hoặc đã bị thu hồi hoặc tước bằng tiến sĩ thuộc ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư” sẽ bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Vì vậy, việc đạo văn nghiêm trọng của ông Hoàng Xuân Quế trong Luận án Tiến sỹ cần phải được làm rõ để xử lý thích đáng theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải tước bỏ học vị và học hàm theo đúng quy định để góp phần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam./.


Công Minh

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nghi-an-PGS-dao-van-nghiem-nghiem-trong-trong-Luan-an-Tien-sy/302272.gd 

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Một Luận án Tiến sỹ bị tố cáo "đạo văn" nghiêm trọng

http://dantri.com.vn/ban-doc/mot-luan-an-tien-sy-bi-to-cao-dao-van-nghiem-trong-743089.htm

Phản ánh với báo Dân trí giảng viên này cho hay, Luận án Tiến sỹ của nghiên cứu sinh (NCS) Mai Thanh Quế, Mã số LA83 tại Trung tâm Thông tin - Thư viên của Học viện Ngân hàng, bảo vệ năm 2002 với đề tài “Các giải pháp  hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”, Người hướng dẫn khoa học là TS. Dương Thu Hương, TS. Đinh Thị Diên Hồng và Luận án Tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế, mã số LATS 576 tại thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, người hướng dẫn khoa học là TS Lê Văn Hưng, TS Nguyễn Hữu Tài có nội dung giống nhau y nguyên từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy đến tận... 53 trang (chiếm khoảng 30% tổng số trang của mỗi luận án)
Đơn kiến nghị bạn đọc gửi Báo Dân tríĐơn kiến nghị của bạn đọc gửi đến Báo Dân trí

Nhằm xác minh thông tin này, PV Dân trí đã trực tiếp lên Thư viện Quốc gia – nơi đang lưu giữ hai Luận án tiến sỹ này để kiểm tra. Kết quả cho thấy, khi so sánh hai Luận án, tại Chương 1 (Phần lý thuyết), mục 1.1.4 từ trang 13 đến trang 24 trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế giống “y nguyên” nội dung mục 1.2.1 từ trang 13 đến trang 24 trong Luận án của NCS Mai Thanh Quế. Phần “kinh nghiệm nước ngoài” trong Chương 1 của hai Luận án cũng giống nhau đến từng từ, từng dấu chấm, phẩy trong 6 trang. Như vậy, trong Chương 1 của hai Luận án đã “kế thừa y nguyên như nhau” đến 17 trang.
Ảnh bìa hai quyển luận án Tiến sĩ hiện đang được lưu tại Thư viện quốc giaẢnh bìa hai quyển luận án Tiến sĩ hiện đang được lưu tại Thư viện quốc gia

Đến Chương 2 (Phần Thực trạng), nội dung hai Luận án cũng giống nhau toàn bộ trong 8 trang, Trong Chương 3 là phần giải pháp và kiến nghị riêng của các NCS song hai Luận án lại có nội dung giống nhau hoàn toàn đến 27 trang. Phần kết luận trong Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế cũng “copy” y nguyên như nội dung tóm tắt Chương 3 của Luận án NCS Mai Thanh Quế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tác giả của các Luận án trên hiện đang là giảng viên, cán bộ quản lý của hai cơ sở đào tạo có uy tín về ngân hàng – tài chính, đó là Trường Đại học KTQD và Học viện Ngân hàng. NCS Hoàng Xuân Quế (bảo vệ Luận án năm 2003) hiện nay đang là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính của Trường Đại học KTQD còn NCS Mai Thanh Quế (bảo vệ Luận án năm 2002) đang là Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng của Học viện Ngân hàng.
Luận án của TS. Hoàng Xuân Quế có nhiều trang giống hệt với luận án của TS. Mai Thanh Quế
Luận án của TS. Hoàng Xuân Quế có nhiều trang giống hệt với luận án của TS. Mai Thanh Quế

Trao đổi nhanh với PV Dân trí qua điện thoại, TS Mai Thanh Quế chia sẻ: “Tôi vừa biết vụ việc và có xem qua hai bản sao. Không khó để nhận thấy Luận án tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế có nhiều nội dung giống y nguyên như Luận án tiến sỹ của tôi”.
“Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có Luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác” – TS Mai Thanh Quế xác nhận.
Theo Điều 47 của Quy chế đào tạo trình độ Tiến sỹ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ GD-ĐT quy định rõ: “Trường hợp nghiên cứu sinh bị phát hiện đã có những vi phạm, gian lận trong hồ sơ dự tuyển, trong quá trình dự tuyển, dự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập nghiên cứu, trong quá trình thực hiện và bảo vệ luận án thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến thu hồi văn bằng đã được cấp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do đó, dấu hiệu đạo văn của ông Hoàng Xuân Quế cần phải được làm rõ để xử lý thích đáng theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, thậm chí phải tước bỏ học vị và học hàm theo đúng quy định để góp phần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
MH - NH